Hiện nay thực tế công tác hướng nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa gắn với thực tiễn của địa phương và phân luồng học sinh ngay từ nhỏ để định hướng theo khả năng, năng lực của học sinh tập chung phát huy. Ngay cả học sinh sau khi tốt nghiệp THPT cũng chưa có sự giáo dục hướng nghiệp đầy đủ dẫn tới tình trạng chọn sai ngành, sai nghề ảnh hướng rất lớn đến sự đam mê và sự thành công sau này. Giáo dục STEM Robotic nói riêng và STEM nói chung được coi là lợi thế trong xu thế mới hiện nay, sẽ giúp giải quyết phần nào nhưng hạn chế trong giáo dục hướng nghiệp.
Học sinh đang học chương trình giáo dục STEM Robotic. Ảnh nguồn: internet
Đổi mới vì trò
Báo GD&TĐ đã tham khảo một số trường THCS tại Hà Nội, thầy Nguyễn Khánh Chuaig - Hiệu trưởng Trường THCS Ban Mai (quận Hà Đông, Hà Nội) nhận thấy công tác giáo dục hướng nghiệp tại các trường chủ yếu dành cho học sinh lớp 9 và bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT dạy 9 chủ đề trong thời lượng 9 tiết. Giáo dục hướng nghiệp thường được giao cho giáo viên chủ nhiệm hoặc mời chuyên gia, tổ chức dưới hình thức chuyên đề. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác hướng nghiệp chưa cao…
Thầy Nguyễn Khánh Chung nhận định: Nếu không đổi mới, hoạt động hướng nghiệp sẽ khó có bước chuyển. Nhà trường bắt đầu hướng đi mới với giáo dục STEM. Bởi mục đích chính của giáo dục STEM là truyền cảm hứng trong học tập, giúp người học thấy được mối liên hệ giữa các kiến thức (nhất là kiến thức khoa học và toán) và nhận thức được tầm quan trọng của các kiến thức STEM ảnh hưởng đến thế giới và sự phát triển của xã hội trong tương lai.
Học tập theo định hướng STEM giúp học sinh nâng cao khả năng trong việc giải quyết các vấn đề thực tế. Học kiến thức lý thuyết gắn liền với ứng dụng. Các chương trình giáo dục STEM luôn hướng đến hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tế cuộc sống.
“Thông qua học tập và vận dụng kiến thức, học sinh đánh giá được năng lực của bản thân và tìm hiểu ngành nghề phù hợp với năng lực của mình sau này. Đó cũng là những kiến thức nghề nghiệp quan trọng với học sinh, giúp các em có lựa chọn đúng đắn khi chọn khối học ở cấp THPT và tiếp theo là định hướng chọn trường đại học”, thầy Chung cho biết.
Nắm bắt những “điểm cộng” này của giáo dục STEM, Trường THCS Ban Mai đã giới thiệu với học sinh từ lớp 6. Qua đó, các em được tìm hiểu và tiếp cận nghề nghiệp liên quan từ sớm. Đây cũng là cách giúp cho công tác hướng nghiệp hiệu quả hơn.
Em Trần Ngọc Bảo Anh - học sinh lớp 6T2, Trường THCS Ban Mai chia sẻ: STEM là môn học vô cùng thú vị đem lại cho chúng em những trải nghiệm độc đáo. Ở môn học này, em được tự khám phá nhiều điều mới lạ và những kiến thức thực tế, bổ ích. Đồng thời giúp em tư duy, giải quyết vấn đề dựa trên cơ sở khoa học chặt chẽ và có tính ứng dụng thực tế cao. Qua đó, em có định hướng rõ hơn về các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai qua những hiểu biết đa dạng về STEM.
Học sinh Trường THCS Ban Mai hào hứng tham gia Câu lạc bộ STEM.Ảnh nguồn: internet
Đưa STEM đến với học sinh
Thầy Chung cho biết: Thấy rõ ưu điểm của giáo dục STEM với hoạt động hướng nghiệp, nhà trường xác định tổ chức lồng ghép hoạt động hướng nghiệp qua giáo dục STEM là cách đi phù hợp.
Ban giám hiệu đã chỉ đạo thực hiện lồng ghép hướng nghiệp trong kế hoạch dạy học các bộ môn thuộc nhóm STEM: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Toán học, Công nghệ. Trong quá trình dạy học, giáo viên bộ môn giới thiệu cho học sinh thấy được tính ứng dụng thực tế của kiến thức bài học và sự liên quan giữa môn học với các nghề nghiệp trong xã hội.
Hiện nay, bên cạnh thực hiện đúng nội dung và đủ thời lượng hoạt động hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 với 9 chủ đề, thời lượng 9 tiết, Trường THCS Ban Mai tổ chức sinh hoạt thường xuyên Câu lạc bộ STEM với 2 buổi/tuần, thời lượng là 90 phút/buổi.
Nội dung sinh hoạt của Câu lạc bộ STEM ngoài việc giúp học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp để thực hiện, giải quyết các nhiệm vụ thực tế còn làm rõ cho học sinh về kiến thức nghề nghiệp liên quan đến các nội dung học tập. Giáo viên giảng dạy STEM cho học sinh trong câu lạc bộ còn có nhiệm vụ giới thiệu về kiến thức nghề nghiệp liên quan đến giáo dục STEM như chế tạo máy, công nghệ sinh học, công nghệ hóa học, kiến trúc sư, điện ảnh...
Học sinh được làm việc với các dự án thực tế từ các nguồn: Dự án do giáo viên hướng dẫn nghiên cứu và đề xuất; dự án tài trợ bởi các tổ chức nghiên cứu khoa học và trường đại học và dự án từ chính học sinh đưa ra. Trong quá trình nghiên cứu và làm việc tập thể, học sinh dần nhận thức được việc mình làm tốt nhất, phát hiện ra thế mạnh tiềm năng của bản thân để định hướng nghề nghiệp cho tương lai của bản thân.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Khánh Chung nhận định: Điểm nhấn trong giáo dục STEM của nhà trường chính là hướng nghiệp thông qua trải nghiệm văn hóa doanh nghiệp. Nhà trường đã liên kết với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp để đưa học sinh đến tham quan và trải nghiệm mô hình hoạt động của đơn vị.
Cô Nguyễn Thu Trang - giáo viên phụ trách STEM của nhà trường chia sẻ: Những chuyến đi thực tế giúp học sinh trực tiếp tìm hiểu về công việc của cán bộ, công nhân, nhân viên ở từng đơn vị. Đồng thời, học sinh cũng tìm hiểu được những ngành nghề liên quan đến hoạt động của công ty, những phẩm chất và năng lực cần có để tham gia vào chuỗi các ngành nghề đó.
“Những chuyến đi đã thực sự khiến học sinh cảm nhận được sâu sắc giá trị và sự chuyển biến mạnh mẽ của doanh nghiệp, từ đó có cái nhìn “tương lai” cho nghề nghiệp của mình. Các em dần hình thành định hướng nghề nghiệp cho bản thân và xây dựng lộ trình học tập để thực hiện mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai”, cô Trang nhận định.
Trích dẫn nguồn tư liệu: https://www.giaoducthoidai.vn